Thẻ

, , , , , , , , , , , , , , ,

Vương Đình Huệ – Người khen & kẻ chê

Thực ra thì tôi không có ý định viết bài này, nhưng được một người bạn làm báo tag vào note của bạn ấy chê trách Vương Đình Huệ (VĐH) nên sau khi đọc xong note của bạn ấy và blog của anh Mạnh Quân (một nhà báo mà tôi ko biết ở báo nào), tôi nghĩ nên viết một cái gì đó để phản hồi lại những quan điểm đã nêu trong hai cái note kia một cách thẳng thắn, trung lập, không tâng bốc VĐH, cũng không chỉ trích VĐH một cách vô căn cứ. Bài viết sẽ tập trung vào những tranh luận liên quan tới phát ngôn và hành động của VĐH mà mỗi phe (ủng hộ – chê bai) đang xoáy vào phân tích. Trước khi đọc bài viết dưới đây, các bạn nên đọc hai bài của bạn Lan Hương và anh Mạnh Quân để hiểu những chỉ trích mà 2 tác giả đã nêu ra. 

 

Trước khi tranh luận, có lẽ cần 2 bên tranh luận thống nhất một số quan điểm chung:

  • Thứ nhất, “nhân vô thập toàn”, tức là con người chả có ai là hoàn thiện cả, có điểm này tốt, có điểm kia chưa tốt. VĐH là một bộ trưởng, ông ấy cũng là 1 con người bình thường như bao người khác, chỉ khác là ông ấy được giao 1 trọng trách làm lãnh đạo một bộ quan trọng trong chính phủ, trách nhiệm, áp lực chính trị…nên càng khó có thể tránh khỏi những chỗ chưa tốt.
  • Thứ hai, để đánh giá một con người có lẽ chỉ nhìn vào 1 sự việc thì e chừng quá sớm, cần phải có thời gian.
  • Thứ ba, “hãy xem người ta làm, chớ nghe người ta nói” là một nguyên tắc chung nhất để kiểm chứng. Cái này thì ở Việt Nam quá rõ rồi, nói ít khi đi đôi với làm, thế nên họp hành từ cấp xã đến cấp TW lúc nào chả có câu nhắc nhở “nói phải đi đôi với làm”.
  • Thứ tư, không nên sùng bái cá nhân, thần thánh hóa một cá nhân, bởi lẽ trong báo cáo của mình có tựa đề “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó” trước Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 ngày 25 tháng 2 năm 1956, Khrushchyov đã chỉ ra những hậu quả khôn lường của tệ sùng bái cá nhân. Những gì mà Khrushchyov viết có lẽ còn có giá trị sâu sắc đối với những nước theo mô hình Liên Xô ngày xưa. Tôi không sùng bái bất cứ 1 ai trong Nhà nước Việt Nam kể cả VĐH.

Sau khi thống nhất được bốn quan điểm trên thì xin phép phản biện mấy ý mà bạn Hương và anh Quân đưa ra như sau:

Thứ nhất, dùng từ “tội đồ” với VĐH và BTC là qúa nặng nề. Cái hệ thống mà bạn H mô tả là “bất minh” đó không phải là do VĐH thiết kế ra mà nó là cả hệ thống mà người ta hay gọi là “cơ chế”. VĐH chỉ là một “bánh răng” trong cái “guồng máy” đó mà thôi. Nói như ông Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú thì việc điều hành giá xăng dầu như hiện nay thì ai điều hành người đó là tội đồ vì “lãnh đạo cấp cao chửi, báo chí chửi, làm đúng cũng bị chửi và dân thì coi như tội đồ”. VĐH mới lên Bộ trưởng không lâu, ông mới điều chỉnh giảm giá xăng hồi đầu tháng 8/2011 mà dân tình ủng hộ, chỉ có 11 doanh nghiệp xăng dầu và mấy đồng chí bên Bộ công thương là ghét ông ra mặt, nói ông không ra gì tại buổi họp có báo chí và chuyên gia.

Thứ hai, về con số 780đồng/ lít lãi mà VĐH đưa ra tại cuộc họp để phản bác lại quan điểm các doanh nghiệp kêu lỗ, với giới báo chí và công chúng là quá xa lạ bởi lẽ từ trước đến giờ có công khai minh bạch đâu mà chả xa lạ. VĐH với kinh nghiệm làm kiểm toán nên ông ấy biết rõ các số liệu, chính vì có số lựa để “chống lưng” mà ông ấy dám phát biểu cụ thể, chứ không chỉ đạo chung chung, cái này là đáng khen cho giới lãnh đạo. Con số này tại thời điểm hiện nay còn quá  mơ hồ, mới nghe VĐH nói vậy thì dân chúng và báo giới biết vậy. Quả là bình thường khi có nhiều người nghi ngờ tính xác thực của con số này. Nhưng ngay trong buổi họp, phát biểu này của VĐH cũng làm cho không ít đại diện doanh nghiệp phải “toát mồ hôi” không thể tranh luận được với ông khi mà hỏi lãi, lỗ bao nhiêu từng mặt hàng thì ông Bảo – TGĐ Petrolimex như gà mắc tóc. Trong phiên tranh luận này, ông VĐH giành được phần thắng bởi dẫn chứng cụ thể bằng con số, chứ không nói vo. Hy vọng, ngay sau buổi họp, đoàn thanh tra của BTC sẽ làm rõ con số lỗ lãi ở doanh nghiệp xăng dầu để người dân và báo chí được biết.

Thứ ba, coi tuyên bố của VĐH về việc nếu vỡ hệ thống phân phối xăng dầu là do lỗi Bộ Công Thương chứ Bộ Tài chính chả liên quan gì là “phủ nhận sạch trơn” trách nhiệm thì e chừng oan cho VĐH. Trong buổi tranh luận nảy lửa đó, bộ Công thương “dọa” rằng, nếu điều hành giá xăng dầu theo kiểu của BTC thì e rằng sẽ vỡ hệ thống. Để đáp lại những “dọa nạt” đó ông Huệ trong bức xúc mới phát biểu như vậy. Tuy nhiên, không nên hiểu là ông Huệ đùn đẩy trách nhiệm sang hết Bộ Công thương mà ở đây ông Huệ muốn nhấn mạnh trách nhiệm của từng bộ trong việc điều hành và quản lý thị trường xăng dầu. Các doanh nghiệp kêu gào “lỗ”, dọa sẽ rút khỏi thị trường làm Bộ Công Thương sợ sốt vó cả lên mà phải vào hùa với doanh nghiệp để “dọa” VĐH, nhưng VĐH rất bản lĩnh nói vậy để khẳng định lại rằng Bộ Công Thương đang quá bị chi phối của Doanh nghiệp. Dung dưỡng doanh nghiệp quá thì vỡ hệ thống là của Bộ Công Thương mà thôi. Còn BTC của VĐH làm mạnh tay, VĐH còn tuyên bố chắc nịch nếu doanh nghiệp nào muốn bỏ thị trường, VĐH đồng ý ngay, sẵn sàng cho lập DN mới, điều đó cho thấy VĐH sẽ làm tới nơi tới chốn, không để tình trạng “vỡ hệ thống xảy ra”. Tất nhiên, phải thừa nhận phát biểu như thế này của VĐH là có “rủi ro”.

Thứ tư, tuyên bố “vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích 86 triệu dân” của VĐH làm nức lòng người dân cả nước vì từ trước đến nay các doanh nghiệp nhà nước luôn là “con cưng” của các Bộ, ngành nên đã là “con cưng” thì chắc chắn được “chiều chuộng” thái quá. Ông Huệ là người dám tuyên bố thẳng thắn như vậy là một điều hiếm thấy trong giới lãnh đạo vẫn tự coi mình là “nô bộc” của nhân dân hay phát biểu kiểu chung chung, “dĩ hòa vi quý”, lấy “đoàn kết nội bộ” là mục tiêu phấn đấu. Tôi thấy phát ngôn này của VĐH là một tuyên bố đầy ý nghĩa. Tất nhiên có người cho rằng VĐH chỉ giỏi “nổ”, giỏi “chém gió”, nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi lẽ VĐH đã dám chấp nhận “rủi ro chính trị” để đối đấu với 1 nhóm lợi ích gồm các doanh nghiệp nhà nước kếch xù có khả năng chi phối thị trường hơn cả 1 mình ông để lên tiếng bênh vực cho lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân. VĐH phát biểu thế không phải để “nổ”, để tạo “dấu ấn” với giới truyền thông, bởi lẽ nếu ngày mai ông ấy bị các nhóm lợi ích hất ông khỏi chiếc ghế Bộ trưởng, thì hơn ai hết, ông ấy hiểu rõ báo chí sẽ “xâu xé”, “dìm hàng” ông không thương tiếc. VĐH phát biểu vì lợi ích chung, nhưng nếu có “rủi ro” thì ông ấy là người thiệt. Cánh báo chí và người dân ủng hộ ông thì tiếc cho 1 người lãnh đạo dám nói, dám làm. Còn ai ghét ông thì hả hê, phấn khởi. Trong một xã hội, mà người ta chỉ thích nghe những điều dễ nghe, những lời xu nịnh, nhưng câu nói kiểu “dĩ hòa vi quý”, thì phát biểu VĐH – 1 chính trị gia như vậy lấy được lòng dân hơn hết thảy những phát biểu kiểu hô hào, phong trào, vỗ ngực tự khen ta đây vì dân vì nước.

VĐH không chỉ nói, ông đã làm, ông đã điều chỉnh giá xăng xuống theo chiều hướng có lợi cho người dân, cho lợi ích quốc gia khi mục tiêu kiềm chế lạm phát đang được chính phủ đặt lên hàng đầu nhất là khi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, chỉ cần tăng giá là CPI cũng sẽ tăng theo, lạm phát tăng đời sống nhân dân khổ, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của quốc gia không thể đạt được. VĐH ngay sau buổi họp đã thành lập ngay 1 đoàn thanh tra tới các công ty xăng dầu để làm rõ chuyện lỗ lãi, đó là hành động đi đôi với phát biểu. Chứng tỏ VĐH không chỉ giỏi “nói” mà ông ấy đã làm.

Thêm một dẫn chứng về việc “vì dân, vì nước” của VĐH. Như mọi người biết, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ thì từ lâu rồi, nhưng họ vẫn “sống khỏe” vì được nhà nước bao cấp, ưu đãi, khi thua lỗ thì nhà nước lấy ngân sách mà bù lỗ cho. VĐH khi lên BTC lại không làm như vậy, VĐH tuyên bố sẽ không tiếp tục bù lỗ cho doanh nghiệp những khoản vô lý nữa. Nhà nước chỉ bù lỗ cho doanh nghiệp những khoản chi phí “hợp lý” mà thôi. Đó là một quyết định vì dân, vì nước. Vì dân, bởi lẽ tiền ngân sách chi để bù lỗ cho mấy ông doanh nghiệp từ xưa đến nay có phải tiền túi của VĐH đâu mà ông ấy xót, mà đó là tiền thuế nhân dân đóng góp. Vì nước, bởi lẽ từ bao lâu nay, doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả thì rõ rồi, mà làm kinh tế như thế là phản kinh tế, lợi ích quốc gia, tài nguyên quốc gia bị hoang phí. Nếu tiếp tục dung dưỡng nhưng sai trái của DNNN là tự hại nhà nước.

Thứ năm, tuyên bố của VĐH về việc ông đủ sức điều hành cả nền kinh tế, chứ không chỉ có mấy doanh nghiệp bị cho là “nổ”, là “chém gió cuồng phong” là nhận xét mang tính phiến diện, xuất phát từ thái độ ghét VĐH từ đầu. Với vai trò quan trọng của Bộ Tài Chính thì ở vị trí Bộ Trưởng, ông VĐH nói thế quả không ngoa. Ngay chính blogger Mạnh Quân cũng đã chỉ ra vai trò ghê gớm của BTC trong nền kinh tế quốc dân tới các vấn đề liên quan tới thuế, hải quan, giá cả, đầu tư công, giám sát tài chính…vv thì quyết định VĐH ảnh hưởng cả tới nền kinh tế. Tất nhiên, nói rằng một mình VĐH làm được điều này là không tưởng. Nhưng vị trí của người lãnh đạo, tầm nhìn của ông cộng với đội ngũ giúp việc tại BTC thì ông có thể làm được. Vai trò lãnh đạo không phải là việc gì ông cũng tự làm, mà có những việc ông chỉ chỉ đạo anh em làm mà thôi. Khi xem xét phát ngôn của VĐH, thì không nên chỉ trích dẫn mỗi phát biểu của ông rồi dựa vào đó mà phê phán, chỉ trích ông ấy “nổ”, hay “chém gió”. Làm như thế không khác gì mấy ông thời sự VTV trích dẫn phát biểu của giáng mục tòa thành Hà Nội nói rằng “tôi thấy nhục khi cầm hộ chiếu Việt Nam” để cố tình xây dựng một hình ảnh ông như một kẻ phản quốc, một kẻ có tội với dân tộc.

VĐH phát biểu như vậy trong bối cảnh các doanh nghiệp và Bộ Công Thương đang gây sức ép với tân Bộ trưởng. VĐH tuyên bố rõ như vậy, để thấy chuyện mấy ông doanh nghiệp xăng dầu chỉ là một việc nhỏ trong rất nhiều trọng trách của ông ở BTC. Ông và ban lãnh đạo Bộ quyết tâm sẽ làm tới nơi tới chốn. Trong bối cảnh buổi họp mà VĐH quá lẻ loi, phải chống đỡ trước sự “tấn công” trực diện, không hề nể nang của đại diện BCT và phía doanh nghiệp, VĐH phát biểu được như vậy là rất bản lĩnh.

Thứ sáu, nhà báo Mạnh Quân nêu ra những chuyện “lùm xùm” ở Kiểm toán Nhà nước ra để tìm cách “dìm hàng” VĐH, nhưng những dẫn chứng của anh Quân rất thiếu thuyết phục. Việc mấy đàn em của VĐH vòi vĩnh ở dự án Quảng Ngãi, tại sao lại quy trách nhiệm cho VĐH. Ai làm người đó chịu trách nhiệm chứ? Nhân viên nào làm sai sẽ phải chịu kỷ luật. Còn chuyện tại sao không đuổi việc được mấy người đó, có lẽ khi nào anh Quân vào làm nhà nước, ngồi ở vị trí lãnh đạo thì sẽ hiểu. Ở một cơ quan nhà nước, một ông lãnh đạo tuy quyền cao chức trọng như vậy, nhưng bảo ông ra quyết định đuổi một ai đó thì cũng không hề đơn giản, bởi lẽ những cá nhân đó là “con, cháu, họ hàng” của một số vị khác còn to hơn ông lãnh đạo đó rất nhiều. Thế nên, chuyện cả năm không kỷ luật, đuổi việc một ai là điều dễ hiểu. Anh Quân nêu ra những búc xúc về việc các báo cáo kiểm toán không được công khai để chỉ trích VĐH. Cái này cũng không hợp lý, bởi các báo cáo kiểm toán này vẫn bị coi là “bí mật quốc gia” không được công bố rộng rãi cho công chúng, đặc biệt là giới nhà báo. Cái này đâu có phải là do VĐH quyết định không cho công bố đâu mà là những người cao hơn VĐH rất nhiều quyết định. VĐH dám chỉ đạo anh em minh bạch, tiết lộ thông tin đó cho báo chí, chắc giờ này không ngồi ghế bộ trưởng BTC. Anh Quân mang bức xúc của một nhà báo không có được thông tin mình cần để làm lý lẽ chỉ trích VĐH là mang bức xúc cá nhân vào trong tranh luận để chỉ trích là điều không nên làm.

Vụ Vinashin, kiểm toán nhà nước đã vào vài lần, đã phát hiện sai phạm và có báo cáo chính phủ, nhưng vì chuyện “cả năm không kỷ luật một ai” thường ngày ở phố huyện, nên chuyện Vinashin chìm xuồng VĐH không quá ngạc nhiên. Trước kia khi ở KTNN, VĐH ngồi trên ghế nóng, “trên đe dưới búa”, có bức xúc cũng khó đưa ra quyết định gì lớn lao. Giờ ngồi trên ghế bộ trưởng BTC, ông có đủ thực quyền để bước đầu thực hiện những “cải cách” mà ông ấy ấp ủ. Những cải cách về minh bạch hóa giá cả, về cắt bỏ trợ cấp của nhà nước với DNNN là những cải cách đáng để ủng hộ, vì nước vì dân. Vậy tại sao không ủng hộ ông ấy mà lại tìm cách bới móc quá khứ để “dìm hàng” ông.

Thứ bảy, về phản ứng của VĐH trong và sau buổi hội thảo “nảy lửa” ngày 20/9, mà theo anh Quân là có phần không quân tử, tôi xin phản biện lại như sau. Thứ nhất, chuyện VĐH cùng đoàn tùy tùng sang Bộ Công Thương đòi kỷ luật ông Lộc An, phó vụ trưởng vụ Thị trường trong nước của bộ này và những chuyện khác như anh nêu. Thông tin này là do anh cung cấp, tôi cứ giả định rằng thông tin này là chính xác thì tôi cũng không đồng tình với quan điểm của anh cho rằng hành động đó là không quân tử, không độ lượng, chấp vặt. Thực tế, ngay trong blog của anh cũng đã nói ông Lộc An – một viên chức cấp thấp hơn rất nhiều so với VĐH đã bỏ qua thứ bậc trong hệ thống nhà nước để có những lời lẽ hết sức láo toét với 1 vị bộ trưởng như thế là không thể chấp nhận được. Ông Lộc An nói “tôi nghĩ Bộ Tài Chính làm sao” là có ý xúc phạm nặng nề cá nhân VĐH và tập thể BTC. Việc ông Lộc An – vụ phó bên Bộ Công Thương định mang cái thành tích “suýt thi Toán quốc tế” (mà sau này bên Bộ Giáo Dục khẳng định lại chả có ông nào tên Lộc An thi toán Quốc tế cả) ra lòe ông VĐH đã bị ông VĐH chấn chỉnh một câu rất sắc “tuy học nhiều, nhưng cần thực tế”.

Giả sử đây chỉ là một buổi họp kín giữa BTC và BCT thì có lẽ VĐH không phải làm như vậy, nhưng đằng này tại một buổi hội thảo có sự tham gia của báo chí, và các chuyên gia, ông Lộc An có những phát biểu “bốp chát”, “vô lễ” như vậy là điều xúc phạm tới danh dự cá nhân và uy tín lãnh đạo của VĐH. Có lẽ Bộ Công Thương cũng cần phải nhắc nhở ông Lộc An phải tự kiểm điểm trước khi VĐH có ý kiến đòi kỷ luật. Việc ông Lộc An có những ý kiến chỉ trích với những lời lẽ hết sức ngông cuồng như vậy là không thể chấp nhận được. Rồi ông Thứ trưởng Tú mặc dù không được bố trí phát biểu mà xung phong nói trong bức xúc rằng BTC điều hành xăng dầu bằng “chân tay” chứ không phải “bằng đầu” cũng là một sự xúc phạm tới cá nhân VĐH và tập thể BTC. Tất nhiên ông Huệ không thể yêu cầu kỷ luật ông Tú được, nhưng ông An tôi nghĩ là xứng đáng. Hai ông này, cùng với mấy ông doanh nghiệp đã biến cái buổi hội thảo do BTC chủ trì thành 1 “cái chợ” không hơn không kém. Người dân và giới báo chí nhìn vào thì chỉ cười vào mấy ông Công thương và mấy ông doanh nghiệp hùng hổ, khen ngợi bản lĩnh và sức chịu đựng của VĐH. Tôi đồng ý với anh Quân là làm lãnh đạo thì cần phải độ lượng, khoan dung, nhưng độ lượng khoan dung cũng phải tùy đối tượng, với những người cấp bậc thấp hơn mình rất nhiều mà xúc phạm mình nặng nề trước tập thể, báo chí thì liệu có đáng để mình khoan dung, độ lượng??

Vài lời với anh Mạnh Quân và bạn Hương

Tôi nghĩ rằng anh Mạnh Quân viết về VĐH với một định kiến rõ ràng. Tôi không biết động cơ chính trị của anh Mạnh Quân khi viết về VĐH là gì, nhưng tôi không cho rằng việc mang những định kiến cá nhân vào một bài viết để chỉ trích là một điều KHÔNG phù hợp với đạo đức báo chí. Cái này thì chính anh cũng đã nói trong bài viết của mình: “Mình thì lại có cái tật xấu, cứ thấy cái gì nghe có vẻ tốt đẹp, lung linh quá thì lại nảy sinh lòng ngờ. Ở đất nước này, có một cái gì đó thật sự đẹp đẽ nó khó lắm huống hồ là ở vị trí một quan chức nhà nước”. Tôi thấy vui vì anh nhận thấy được tật xấu của mình, mà đã biết là xấu thì đừng nên “phát huy”. Trong phần tái bút anh có viết: “Miềng đang làm bài điều tra về một thông tin cho biết một vị quan lớn trong chuyến đi công cán tại Mỹ có dẫn vợ theo nhưng lại làm giả quyết định cho vợ làm cán bộ một vụ trong bộ. (Anh em chuyên viên trong các bộ liên quan ai biết  mà có nhã ý cung cấp thông tin thêm ví dụ như quyết định cử đi, tiền chi cho vợ đồng chí ấy lấy từ đâu: tiền dn hay ngân sách của bộ hay của nhà vị quan đó chi ra thì cám ơn vô cùng). Miềng làm xong quẳng lên blog cho anh em đọc chơi nhá. Vụ này hay hơn vụ Cao Minh Quang nhiều nhiều đấy”.

Tôi cũng không biết động cơ của bài điều tra này là để làm gì? Đăng báo nào? Mang lại gì cho độc giả? Nhưng tôi đọc những gì anh viết ở đây, tôi thấy động cơ điều tra của anh không trong sáng. Nếu anh là nhà báo dũng cảm, dám phát hiện những sai trái hay dũng cảm nói lên những điều sai trái, chứ đừng viết rồi quẳng lên blog cá nhân cho mình hả hê, cho anh em đọc chơi cho vui. Làm như vậy là không chính danh, thử hỏi tại sao giới cầm quyền hay “đập” các bloggers khác.

Còn về câu hỏi của nhà báo Tây: Tại sao báo chí Việt Nam hay tập trung hoặc “thích kịch liệt” hoặc “dìm hàng không thương tiếc” một nhân vận, một sự việc gì đó?

Câu trả lời hết sức đơn giản, bởi lẽ báo chí Việt Nam là báo chí có “lề” do Nhà nước vạch ra. Người làm báo không được tự do viết lách, các báo thì nghe ngóng lẫn nhau, thấy báo này đăng, thì mình mới dám đăng vì sợ sau vụ 2 nhà báo viết bài PMU 18 bị cho vào “gặp” anh Dũng Tổng để “phỏng vấn thêm” vài năm :D. Nhiều báo chỉ đi copy từ các báo khác một cách nguyên vẹn nên hiệu ứng “tập thể” nó lan truyền cũng là dễ hiểu. Một báo khen, vài chục tờ khác khen theo. Một tờ chê, vài chục tờ chê theo. Đúng kiểu báo chí kiểu “nói leo, ăn theo”. May là bây giờ, nhà báo cũng có chính kiến riêng, không chỉ nghe lãnh đạo nói gì về mà tâng bốc, nhưng khổ nỗi trên mặt báo chính thống, họ không thể nào nói ngược chỉ đạo của lãnh đạo, bởi lẽ báo chí đã có “lề” rõ rồi, thế nên nhà báo bây giờ có thêm “blog” để xả những stress, hay post lên những bài viết cá nhân mà chả báo nào dám đăng.

Chuyện báo chí chạy theo 1 chiều cũng không hẳn là do các báo mà có lẽ người Việt Nam mình – những độc giả – thích vậy thì phải. Ngân sách nhà nước nuôi báo chí thì nghèo nàn, báo chí muốn sống được thì phải chạy theo thị hiếu độc giả. Báo này “khen” mà độc giả quan tâm, thì báo khác cũng “khen” theo. Báo này được “bật đèn xanh” để “dìm” một vị nào đó, thì báo khác cũng a dua cùng “dìm”. Thử hỏi nếu không có được “bật đèn xanh”, đố báo nào dám “dìm” một vị đang đương chức. Bởi nếu “dìm” mà họ không chìm, thì hậu quả các nhà báo quá hiểu.

Kết luận:

Viết lách với tôi chỉ là một thú vui, có cảm hứng thì viết. Cái gì đúng thì nói là đúng, cái gì sai phải thẳng thắn nói sai. Không chơi kiểu xu nịnh, tâng bốc. Tôi không phải là nhà báo, cũng chẳng làm việc cho BTC hay có họ hàng gì với VĐH nhưng tôi nể phục ông này vì những gì ông “nói và làm” trong thời gian qua. Cái đó không chỉ là nhận xét hay cảm tình của cá nhân tôi mà đông đảo giới báo chí và quần chúng nhân dân. Giới lãnh đạo Việt Nam cần nhiều những VĐH thì hy vọng mới có cải cách sâu rộng, mới có những “quả đấm thép” tạo nên những “đột phá” mà bao năm nay người dân hằng mong đợi. VĐH cũng chỉ là một con người như bao người khác, chỉ khác là ông ấy có quyền lực trong tay, cộng với trách nhiệm gánh vách mà Nhà nước nhân dân giao phó. Ông ấy không phải là hoàn hảo, có những lúc ông ấy sẽ mắc phải sai lầm. Nhưng tôi đánh giá cao khi ông dám nhận trách nhiệm cá nhân về việc điều chỉnh giá xăng, mặc dù quyết định đó là của tập thể lãnh đạo BTC. Điều đó thể hiện VĐH là người dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm. Ông ấy dũng cảm, dám chấp nhận trách nhiệm và “rủi ro” cá nhân cho lợi ích tập thể. Đó chẳng phải là một điều đáng để biểu dương, ủng hộ hay sao?

Thông tin tham khảo thêm:

 

Bài viết của bạn Hương: http://www.facebook.com/notes/huong-pinky-vu/ch%E1%BA%A1y-theo-ch%E1%BB%A7-ngh%C4%A9a-anh-h%C3%B9ng/10150309135933651

Bài viết của blogger Mạnh Quân: http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fia.360cyhf.lnubb.pbz/dhna5791/negvpyr=3fzvq=3d837

Các file audio phát biểu tại buổi hội thảo ngày 20/9 về điều hành xăng dầu, để mọi người nghe cho rõ ai nói gì và nói như thế nào

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/09/bo-tai-chinh-cong-thuong-tranh-cai-ve-gia-xang/page_2.asp

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/09/bo-tai-chinh-cong-thuong-tranh-cai-ve-gia-xang/page_3.asp

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/09/bo-tai-chinh-cong-thuong-tranh-cai-ve-gia-xang/page_4.asp

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/09/bo-tai-chinh-cong-thuong-tranh-cai-ve-gia-xang/page_5.asp