Thẻ

Chiến tranh

Tôi vừa xem xong một bộ phim tài liệu mang tên “Những người tù ở Hà Nội – Hilton” nói về những tù binh Mỹ bị giam giữ trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi xem xong bộ phim này, tôi thật sự thấy xúc động và tôi quyết định, mình nên viết một cái gì đó mặc dù bây giờ cũng đã muộn rồi.

Có lẽ bản thân tôi – một thanh niên thuộc thế hệ 8x, và cũng như những thanh niên Việt Nam sinh sau năm 1975 sẽ không thể nào hình dung ra được sự tàn khốc của chiến tranh. Đối với chúng tôi, chứng tích chiến tranh chỉ là những lần đi thăm bảo tàng, đọc sách hay nghe người lớn kể lại. Đối với chúng tôi, có lẽ nhắc tới chiến tranh, chúng tôi không có ký ức mà chỉ có sự tưởng tượng. Tôi hiểu rằng, chiến tranh ghê gớm lắm, tàn bạo lắm, nhưng ở mức độ nào thì tôi không biết được, cũng chưa hình dung được.

Mãi cho tới khi, cách đây vài năm khi tôi được tận mắt xem bộ phim tài liệu nước ngoài mang tên “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam”, tôi mới thực sự hình dung ra mực độ tàn khốc của cuộc chiến tranh không cân sức đó. Thật sự khi xem bộ phim đó, tôi có cảm giác sợ hãi, rùng mình và có cảm giác như tôi đang có mặt trong những thước phim đó vậy. Những hình ảnh cứ lướt qua, im lìm, sắc lẹm gợi lên trong tôi một cảm giác kinh hãi, hoảng hốt. Những hình ảnh bom đạn, người chết đã ám ảnh và làm tôi cảm thấy kinh sợ chiến tranh. Tôi còn nhớ, năm công chiếu bộ phim này, cũng là năm phát hành Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Sống mãi tuổi 20. Và thật sự, tới lúc đó tôi mới nhận ra rằng chiến tranh ghê gớm như thế nào. Tự nhiên trong tôi dâng lên một cảm giác giống như mình đang ngồi trong nhà và ngoài kia là những chiếc máy bay đang gầm rít và chuẩn bị dội xuống những loạt bom và chỉ trong tích tắc nữa tôi sẽ chết. Tôi sợ hãi! Một sự sợ hãi mà tôi chưa bao giờ trải qua.

Nhưng rồi cảm giác sợ hãi đó nhanh chóng bị sự tự hào xen lấn, và khỏa lấp. Tôi đã đọc Sống mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, và tôi thật sự thấy tự hào vì mình là thế hệ đi sau của một thế hệ đi trước anh hùng và bất khuất. Họ là niềm tự hào của thế hệ trẻ, là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Tôi cảm thấy khâm phục họ bởi sự hy sinh khi mà họ mới ở độ tuổi 20 đầy sức sống, độ tuổi mà như chúng tôi đang cắp sách tới trường. Tôi cảm thấy mình may mắn quá. May mắn vì không phải sống trong chiến tranh, may mắn vì không phải nếm trải những nỗi sợ hãi mà chỉ trong giây lát trước đó tôi muốn không bao giờ lặp lại.

Chiến tranh cũng đã qua đi hơn 30 năm rồi, nhưng những gì nó để lại thì khó thể xóa nhòa. Hòa bình và phát triển đã đến với đất nước chúng tôi, nhưng ở đâu đó vẫn có những nỗi buồn chiến tranh còn lẩn khuất. Qua những thước phim, qua mỗi câu chuyện, qua mỗi bức ảnh, nỗi ám ảnh của chiến tranh luôn luôn còn mãi ở đây để nhắc nhở thế hệ trẻ như tôi một niềm tự hào dân tộc, một tinh thần yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh. Chiến tranh đã đi qua, nhưng tôi có một điều lo lắng, đó là rồi mai đây những nhân chứng sống của các cuộc chiến tranh, những nạn nhân, những người anh hùng rồi cũng sẽ ra đi vì tuổi tác. Thế hệ 9x và những thế hệ sau nữa sẽ còn có cơ hội được nghe những câu chuyện kể đầy xúc động đó. Tôi nhận thức vai trò vô cùng quan trọng của việc giáo dục thế hệ trẻ về ý thức tự hào dân tộc, về tư tưởng yêu hòa bình, và quan trọng hơn cả đó là nhận thức của những chủ nhân tương lai của đất nước về độc lập, tự do và hòa bình.

Tôi mong ước chiến tranh sẽ mãi chỉ là lịch sử ở đất nước của tôi và trên toàn thế giới. Tôi căm thù những kẻ đã reo rắc chiến tranh trên thế giới này. Và tôi chia sẻ cảm thông về sự mất mát trong chiến tranh ở Irag, ở Afghanistan, ở Kosovo, ở Palestine và ở những nơi mà chiến tranh đi qua. Tôi nguyện cầu hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng sẽ đến với các bạn.

TNT July 28